Bệnh viện Bỏng quốc gia Lê Hữu Trác[1][2] là một trong 2 bệnh viện thực hành của Học viện Quân y thuộc Bộ Quốc phòng được thành lập theo quyết định số 142-CT của Hội đồng Bộ trưởng ký ngày 25/4/1991 trên cơ sở Khoa Bỏng (B3), Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang thuộc Viện Quân y 103 - Học viện Quân y.
Ngày 01 tháng 12 năm 1964, thành lập Khoa Bỏng trên cơ sở Khoa Ngoại dã chiến - Viện Quân y 103 do Bác sĩ Lê Thế Trung làm Chủ nhiệm khoa. Biên chế lúc đó gồm 18 người, trong đó có 03 bác sĩ, 02 y sĩ, 09 y tá và 04 công vụ. Nhiệm vụ của khoa bỏng: điều trị, huấn luyện và nghiên cứu khoa học về bỏng, đặc biệt là bỏng chiến tranh.[3]
Ngày 25 tháng 4 năm 1991, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Nguyễn Khánh đã ký Quyết định số 142/CT, thành lập Viện Bỏng Quốc gia mang tên danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, gọi tắt là Viện Bỏng Lê Hữu Trác trên cơ sở phát triển từ khoa Bỏng (BM3), Viện Quân y 103. Viện Bỏng được đặt tại 263 đường Phùng Hưng, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội.
Ngày 26-9-2017, Bộ Tổng tham mưu ban hành Quyết định số 1441/QĐ-TM về biểu tổ chức, biên chế Học viện Quân y, trong đó Viện Bỏng Lê Hữu Trác phát triển thành bệnh viện chuyên khoa đặc biệt và được đổi tên thành Bệnh viện Bỏng quốc gia Lê Hữu Trác[2][4].
Là bệnh viện đầu ngành Bỏng của quân và dân trong cả nước.
Là một trong hai Bệnh viện thực hành của Học viện Quân y
Nghiên cứu các phương pháp phòng và chống bỏng, xử lý bước đầu tại tuyến cơ sở.
Theo dõi, hướng dẫn về chuyên môn, kỹ thuật chuyên khoa bỏng trong cả nước.
Khám và điều trị bỏng cho nhân dân và quân đội, cũng như các di chứng bỏng do các bệnh viện tuyến gửi lên.
Cùng với các Trường đại học y đào tạo, bổ túc cán bộ chuyên khoa bỏng.
Hợp tác về khoa học thuộc lĩnh vực chuyên khoa bỏng với các bệnh viện, các viện nghiên cứu trong nước, ngoài nước và các tổ chức y tế thế giới theo sự chỉ đạo của Bộ Y tế.
- Điều trị: trong 10 nǎm (1991-2001), Viện đã cấp cứu điều trị trên 18000 lượt bệnh nhân đã điều trị thành công bệnh nhân bỏng chung 85% diện tích cơ thể trong đó 50% diện tích bỏng sâu. Tham gia cấp cứu điều trị các nạn nhân bỏng trong các vụ cháy lớn trong toàn quốc.
- Công tác đào tạo: giảng dạy về bỏng cho 500 bác sĩ cơ sở, 300 bác sĩ dài hạn, 45 bác sĩ chuyên khoa sơ bộ, chuyên khoa I, 8 bác sĩ chuyên khoa II, 22 thạc sĩ, 8 tiến sĩ.
- Nghiên cứu khoa học: Nghiên cứu và đưa vào ứng dụng các loại thuốc chữa bỏng: B76, Maduxin, AT 04, SH 91, Eopolin, Đampomade. Hoàn thành 5 đề tài nhánh cấp nhà nước, nhiều đề tài cấp Bộ, cấp Viện. Triển khai và hợp tác nghiên cứu nuôi cấy tế bào sừng, bǎng dính công nghệ Nano;bǎng sinh học trung bì làm từ da lợn, da ếch.
"Chữ nghiêng" biểu thị (các) bệnh viện liên kết với trường với các văn phòng bộ môn trong khuôn viên bệnh viện; "†" là các trường dân lập, tư thục. "TW" biểu thị bệnh viện tuyến trung ương.