Tư tưởng Tập Cận Bình | |||||||
Phồn thể | 習近平新時代中國特色社會主義思想 | ||||||
---|---|---|---|---|---|---|---|
Giản thể | 习近平新时代中国特色社会主义思想 | ||||||
|
Tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội với đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới (tiếng Trung: 习近平新时代中国特色社会主义思想, phiên âm Hán Việt: Tập Cận Bình tân thời đại Trung Quốc đặc sắc xã hội chủ nghĩa tư tưởng) là một tư tưởng chính trị của Tổng bí thư Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình. Khái niệm này được nói đến lần đầu tiên trong Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19. Tư tưởng này được phát triển dần dần từ năm 2012, khi Tập Cận Bình trở thành Tổng Bí thư Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (Lãnh đạo quốc gia tối cao). Đại hội Đảng thứ 19 đã bầu chọn và khẳng định tư tưởng này như là một điều lệ của Đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC).[1][2]
Lần đầu tiên Tập Cận Bình nhắc tới "Tư tưởng về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới" là trong diễn văn khai mạc Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc vào tháng 10 năm 2017. Tập thể Ban Thường vụ Bộ Chính trị sau khi xem xét bài diễn văn quan trọng này, đã đưa tên "Tập Cận Bình" vào trước từ "Tư tưởng".[1]
Bản thân Tập Cận Bình đã mô tả tư tưởng này như là một phần của hệ tư tưởng lớn được xây dựng từ Chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc, một khái niệm của Đặng Tiểu Bình đưa Trung Quốc vào "giai đoạn chính của chủ nghĩa xã hội." Trong các tài liệu chính thức của đảng và tuyên bố của các đảng viên khác, Tư tưởng này được cho là sự tiếp nối của Chủ nghĩa Marx-Lenin, Tư tưởng Mao Trạch Đông, Lý luận Đặng Tiểu Bình, "Thuyết ba đại diện", và Quan điểm phát triển khoa học, như là một phần của một loạt các tư tưởng lãnh đạo với sự kết hợp "Chủ nghĩa Mác áp dụng vào hoàn cảnh Trung Quốc" và những cân nhắc trong thời kỳ hiện đại.[1][3]
Ngày 24 tháng 10 năm 2017, trong phiên họp bế mạc, Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19 đã thống nhất đưa tư tưởng này vào Điều lệ Đảng Cộng sản Trung Quốc.[4][5]